Bị phế truất Vương hoàng hậu (Đường Huyền Tông)

Sau vụ Khương Kiểu, Vương Hoàng hậu tâm trạng lo lắng sợ bị phế. Sử sách ghi rằng Vương Hoàng hậu rất có uy tín với bọn thái giám và cung nữ nên không ai nói gì về những việc làm tiêu cực của bà. Vì thế Đường Huyền Tông cũng không có lý do gì thích hợp để phế truất bà và có lúc đã do dự. Có một dịp, Vương Hoàng hậu nhắc nhở Đường Huyền Tông rằng thuở còn hàn vi, có lần Vương Nhân Hiệu đã phải nhào bột làm mì để mừng sinh nhật Đường Huyền Tông, đến nỗi tay ông ta bị bầm tím cả lên. Đường Huyền Tông có tỏ ra xúc động nhưng không lâu sau thì đâu lại vào đấy[8][9].

Tuy nhiên phía Vương Thủ Nhất lại cùng với đạo sĩ làm lễ cúng Nam TàoBắc Đẩu, rồi đưa cho Vương Hoàng hậu đeo một miếng ngọc bội làm bằng gỗ khắc hình trời đất và tên húy của Đường Huyền Tông, với ý cầu cho Vương Hoàng hậu có con và sẽ được như Võ Tắc Thiên lúc xưa. Cuối cùng sự việc bị lộ, nguyên nhân đều cho rằng Võ Huệ phi tố giác, Huyền Tông cho tra ra và quả nhiên có đồ cúng tế. Năm Khai Nguyên thứ 12 (724), ngày 21 tháng 2 (âm lịch), Đường Huyền Tông xuống chiếu phế Vương Hoàng hậu làm [Thứ nhân; 庶人][4], Vương Thủ Nhất bị biếm khỏi triều đình, sau ép tự tử[10]. Cựu tể tướng Trương Gia Trinh cũng bị nghi ngờ có thông đồng với Vương Hoàng hậu nên cũng bị biếm làm Thứ sử Thái Châu. Đây được gọi là [Phù yếm sự kiện; 符厭事件].

Trong năm ấy, vào tháng 10, Vương Thứ nhân do đau buồn nên qua đời, trong cung nhiều người khóc thương. Đường Huyền Tông cũng cảm thấy hối hận, bèn an táng bà theo nghi lễ dành cho nhất phẩm vào Vô Tương tự (无相寺)[11]. Năm Bảo Ứng nguyên niên (762), dưới thời Đường Đại Tông, cháu nội của Đường Huyền Tông, Vương thị được truy phong lại làm Hoàng hậu nhưng không có thụy hiệu[12][13].